Ngày 19/9/2023, Khoa công trình Trường Đại học Công nghệ GTVT đã chủ trì tổ chức hội thảo khoa học về BIM với chủ đề “Phần mềm Tekla Structures cho sinh viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải” nhằm kết nối các giảng viên, nhà khoa học, doanh nghiệp và sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tham gia Hội thảo về phía Khoa Công trình có TS. Trần Ngọc Hưng – Trưởng Khoa Công trình, TS. Phùng Bá Thắng – Phó Trưởng Khoa Công trình, đại diện lãnh đạo các Bộ môn, các thầy, cô giáo trong Khoa; các nhà Khoa học về các lĩnh vực xây dựng công trình, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BIM và đông đảo các em sinh viên quan tâm đến tham dự.
TS. Trần Ngọc Hưng – Trưởng Khoa Công trình phát biểu tại Hội thảo với những kế hoạch, dự định nhằm xây dựng môi trường học tập toàn diện về kiến thức lẫn kỹ năng cho sinh viên.
Trong những năm qua, Khoa Công trình vừa chú trọng thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực, vừa chủ động tích cực thúc đẩy phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học để huy động nguồn lực, chất xám của các nhà khoa học, đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ của Nhà trường.
TS. Phùng Bá Thắng – Phó Trưởng Khoa Công trình chia sẻ về những nỗ lực của Khoa để tạo cơ hội tiếp cận công nghệ, trang bị nền tảng vững chắc cho sinh viên đáp ứng sự phát triển không ngừng của xã hội.
Hội thảo khoa học lần này với mục đích tạo diễn đàn khoa học để các em sinh viên Khoa Công trình có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu, lĩnh hội và học tập ứng dụng Tekla Structures trong đào tạo và dự án thực tế. Đồng thời qua hội thảo, sinh viên có cơ hội được trực tiếp trao đổi, trình bày ý kiến của mình về các vấn đề, từ đó hoàn thiện năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo đã được nghe 3 báo cáo viên trình bày các báo cáo, tham luận liên quan đến vấn đề BIM gồm: “Giới thiệu về mô hình thông tin công trình BIM” do TS. Phùng Bá Thắng – Phó Trưởng Khoa Công trình trình bày; “Giới thiệu các công cụ BIM và chính sách hỗ trợ đào tạo cho sinh viên khi dùng phần mềm hang Trimble: Tekla Structures, Trimble Connect và Tekla Model Sharing” do ông Nguyễn Đức Hóa – Công ty TNHH KONIA báo cáo; “Ứng dụng Tekla Structures trong dự án thực tế” được ThS. Đinh Nho Cảng – Viện Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Xây dựng chia sẻ.
TS. Phùng Bá Thắng – Phó Trưởng Khoa Công trình trình bày báo cáo “Giới thiệu về mô hình thông tin công trình BIM” với nhiều thông tin bổ ích, minh họa thú vị, sống động.
Sau khi được nghe các báo cáo viên trình bày, các vị khách mời, các nhà khoa học và các em sinh viên đã trao đổi, thảo luận, trình bày ý kiến đóng góp để các báo cáo hoàn thiện hơn.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, đem lại nhiều kiến thức rất bổ ích cho các em sinh viên, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng để hoàn thiện trong quá trình học tập và rèn luyện dưới mái trường UTT.
Một số hình ảnh khác
Xem chuỗi hoạt động Edu Tour – Tekla Structures cho sinh viên>>
Thông tin thêm
BIM – Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling, viết tắt là BIM) là một công nghệ mới, được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số, đang được triển khai và áp dụng rộng rãi trong ngành Xây dựng ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, việc áp dụng BIM trong thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình đã được triển khai từ cuối năm 2016 và đang được ứng dụng thí điểm trong hoạt động thiết kế, xây dựng và vận hành tại một số công trình. Đến tháng 4/2021, Bộ Xây dựng đã công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) và chi tiết áp dụng đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây có thể coi là pháp lý chính thức quan trọng trong việc phát triển BIM tại Việt Nam, góp phần tạo nên giải pháp tối ưu tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của ngành Xây dựng.
Tekla Structures – Đây là phần mềm Mô hình hóa thông tin công trình (BIM) cho phép tạo và quản lý các mô hình kết cấu 3D với chi tiết chính xác và tính khả thi cao bất kể cấu trúc phức tạp hay loại vật liệu nào (kết cấu thép, kết cấu bê tông cốt thép, bê tông đúc sẵn…). Các mô hình 3D dựng bằng Tekla Structures chứa đầy đủ các thông tin chi tiết và chính xác về công trình, giúp kiểm soát toàn bộ quy trình xây dựng từ khâu thiết kế ý tưởng đến gia công, lắp dựng và quản lý thi công.
Chính sách hỗ trợ đào tạo – giáo dục của Trimble Tekla tại Việt Nam – Công ty TNHH Kơ Nia được ủy quyền triển khai và phát triển, bao gồm nhiều quyền lợi miễn phí từ hãng Trimble và các hoạt động bổ ích hoàn toàn phi thương mại (hội thảo, workshop, hướng dẫn đồ án, đào tạo sử dụng phần mềm, cấp chứng chỉ, học bổng…) từ công ty KONIA dành cho các trường Đại học khối ngành Xây dựng – Công trình có mong muốn hợp tác đẩy mạnh kiến thức, kỹ năng liên quan đến phần mềm Tekla Structures cho sinh viên.