Nhằm tăng mức độ nhận biết cũng như phổ biến và cập nhật các kiến thức, công cụ BIM như: khái niệm, thực tế, giới thiệu phần mềm Tekla Structures, đồng thời để giảng viên và sinh viên có thể làm quen với việc áp dụng quản lý thông tin mô hình vào công tác giảng dạy, học tập và công việc thực tế, Khoa Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (MTU) phối hợp với Công ty TNHH Kơ Nia tổ chức hội thảo “Xây dựng nền tảng BIM với phần mềm Tekla Structures”.
Hội thảo được diễn ra vào sáng ngày 5/10/2023 với sự hiện diện của Quý thầy cô Ban Giám Hiệu, lãnh đạo Khoa và Bộ môn, cùng cán bộ giảng viên và hơn 250 sinh viên Khoa Xây dựng. Thầy Nguyễn Tuấn Phương – Trưởng Bộ môn Nền móng đã phát biểu khai mạc hội thảo với nhiều lời khích lệ, cổ vũ tinh thần các bạn sinh viên học hỏi, tiếp thu và trau dồi kiến thức lẫn kỹ năng trong thời đại xã hội phát triển không ngừng.
Với chủ trương đầu tư vững chắc từ nền móng, các bạn sinh viên đã được biết thêm nhiều thông tin chuyên ngành cần thiết thông qua các chủ đề: Tổng quan về BIM và ảnh hưởng của BIM đến định hướng công cụ, nghề nghiệp của sinh viên ngành Xây dựng; Thể hiện bản vẽ kết cấu thép nhà công nghiệp bằng ứng dụng phần mềm kết cấu Tekla; Giới thiệu công cụ BIM – Tekla Structures và các chính sách hỗ trợ đào tạo cho sinh viên từ hãng Trimble Tekla.
Qua các chủ đề đa dạng, hơn 250 bạn sinh viên đã tích cực và hào hứng tham gia thảo luận, hỏi đáp để tìm hiểu kỹ hơn về BIM, định hướng nghề nghiệp liên quan đến BIM, đặc biệt là cách trang bị kỹ năng sử dụng phần mềm Tekla Structures – công cụ BIM chuyên về kết cấu mạnh mẽ bậc nhất, thông qua các khóa học miễn phí được cấp chứng chỉ do hãng Trimble và công ty Kơ Nia mang đến.
Hội thảo đã thành công và kết thúc với nhiều kế hoạch hợp tác giữa MTU và KONIA trên tinh thần chú trọng đào tạo từ gốc ngọn và mang lại lợi ích cho sinh viên.
Một số hình ảnh khác
Xem chuỗi hoạt động Edu Tour – Tekla Structures cho sinh viên>>
Thông tin thêm
BIM – Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling, viết tắt là BIM) là một công nghệ mới, được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số, đang được triển khai và áp dụng rộng rãi trong ngành Xây dựng ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, việc áp dụng BIM trong thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình đã được triển khai từ cuối năm 2016 và đang được ứng dụng thí điểm trong hoạt động thiết kế, xây dựng và vận hành tại một số công trình. Đến tháng 4/2021, Bộ Xây dựng đã công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) và chi tiết áp dụng đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây có thể coi là pháp lý chính thức quan trọng trong việc phát triển BIM tại Việt Nam, góp phần tạo nên giải pháp tối ưu tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của ngành Xây dựng.
Tekla Structures – Đây là phần mềm Mô hình hóa thông tin công trình (BIM) cho phép tạo và quản lý các mô hình kết cấu 3D với chi tiết chính xác và tính khả thi cao bất kể cấu trúc phức tạp hay loại vật liệu nào (kết cấu thép, kết cấu bê tông cốt thép, bê tông đúc sẵn…). Các mô hình 3D dựng bằng Tekla Structures chứa đầy đủ các thông tin chi tiết và chính xác về công trình, giúp kiểm soát toàn bộ quy trình xây dựng từ khâu thiết kế ý tưởng đến gia công, lắp dựng và quản lý thi công.
Chính sách hỗ trợ đào tạo – giáo dục của Trimble Tekla tại Việt Nam – Công ty TNHH Kơ Nia được ủy quyền triển khai và phát triển, bao gồm nhiều quyền lợi miễn phí từ hãng Trimble và các hoạt động bổ ích hoàn toàn phi thương mại (hội thảo, workshop, hướng dẫn đồ án, đào tạo sử dụng phần mềm, cấp chứng chỉ, học bổng…) từ công ty KONIA dành cho các trường Đại học khối ngành Xây dựng – Công trình có mong muốn hợp tác đẩy mạnh kiến thức, kỹ năng liên quan đến phần mềm Tekla Structures cho sinh viên.